Quân đội Chiến_tranh_Việt_Nam_(miền_Bắc,_1954-1959)

Tổ chức lại về mặt chính trị

Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức lại về mặt chính trị để bảo đảm trung thành tuyệt đối với đảng. Một cán bộ lý luận cấp cao nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được biệt phái thành lập Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm thực hiện chính sách của đảng trong quân đội. Công tác chính trị và giáo dục lý tưởng được đặt ngang hàng công tác quân sự. Nhiều sĩ quan xuất thân từ thành thị, có kinh nghiệm tác chiến và học vấn tốt đã bị thay thế vì các tiêu chuẩn như thành phần lý lịch và không đủ độ tin tưởng của đảng[cần dẫn nguồn]. Thay vào đó là lớp sĩ quan xuất thân từ nông dân. Tuy nhiên đó là một xáo trộn không lớn, chủ yếu chỉ diễn ra trong hàng ngũ cán bộ sơ cấp và trung cấp. Hàng ngũ tướng lĩnh chỉ huy của quân đội không bị xáo trộn nhiều. Sau này, cùng với sửa sai, việc thanh lọc này được phục hồi, chỉ còn những cán bộ có anh em, bố mẹ theo đối phương mới bị loại bỏ. Trong chuyện này có sự can thiệp của những lãnh tụ cấp cao nhất có tư tưởng thực tế như Hồ Chí MinhVõ Nguyên Giáp.

Chính quy hoá

Khoa học quân sự Việt Nam rất phát triển, thực tiễn 9 năm kháng chiến đã kết hợp chặt chẽ binh thư cổ đại và chiến tranh hiện đại. Những năm hòa bình lập lại, khoa học quân sự được đúc kết từ thực tiễn vào sách vở thành tài liệu, nghiên cứu, giảng dạy cùng với quân đội đang được hiện đại hóa. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ đó hết sức thiện chiến ở cả hai mức, cá nhân từng chiến sĩ và khoa học chỉ huy. Phương pháp xây dựng công sự hình râu tôm phân nhánh, phương pháp tiến quân ba mũi là những độc đáo đặc sắc của khoa học quân sự này.

Cũng như dân sự, hệ thống các trường quân đội được thành lập để phát triển nhân sự. Cũng rất nhiều cán bộ trí thức được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Sự phát triển của xã hội là nền tảng phát triển quân đội.[20].

Vệ quốc đoàn Việt Minh ở giai đoạn trước, vừa được chính quy hóa, vừa được tiếp viện gần 8 vạn bộ đội tập kết từ miền nam ra, trở nên rất mạnh mẽ cả về chuyên môn và tư tưởng, sự trung thành. Rất nhiều người miền nam tham gia hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, trong khi một phần trong những người còn lại được huấn luyện để chuẩn bị gửi vào chiến trường.

Hiện đại hoá

Thời kỳ này, số lượng vũ khí mới ít, trình độ khoa học quân sự chưa cao làm cản trở đáng kể việc phát triển các binh chủng hiện đại. Cùng thời kì, Việt Nam Cộng hòa đã được trang bị nhiều phương tiện hiện đại hơn. Nhưng việc phát triển vững chắc dựa trên nòng cốt là phát triển con người đem lại những thuận lợi cho tương lai. Ví dụ, đến năm 1965, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có những đơn vị máy bay tiêm kích, radar, tên lửa của Liên Xô viện trợ trong khi Việt Nam Cộng hòa cũng nhận viện trợ các kỹ thuật đó ở người Mỹ với tổng số viện trợ quân sự trong 6 năm (1955-1960) là 1,0289 tỷ USD.[21]

Năm 1954, khi kết thúc chiến tranh tại Miền Bắc Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ yếu được trang bị súng chiến lợi phẩm theo tiêu chuẩn phương Tây (xem Kháng chiến chống Pháp). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có một số cối pháo tiêu chuẩn Liên Xô viện trợ như: cối 82mm, pháo phản lực, pháo phòng không 37 mm, nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Súng cầm tay cũng đã có một lượng không đáng kể được viện trợ bởi các nước xã hội chủ nghĩa, như PPSh-41 (tên Việt Nam là K-50).

Một trong những thành công của thời kỳ 1954-1960 là tìm được phương án biên chế súng đạn tiêu chuẩn cho bộ binh. Các vũ khí bộ binh chỉ được nhập khẩu đủ sau đó, nhưng cơ cấu sử dụng súng đạn đã có. Các súng bộ binh phương Tây chiến lợi phẩm (là vũ khí chủ yếu đến lúc này) dần đổi sang các súng của khối Xã hội chủ nghĩa dùng tiêu chuẩn Liên Xô.

Chính vì phải thay đổi tiêu chuẩn vũ khí nên cần nhập khẩu số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược, khí tài và tổ chức dự trữ đạn dược, đào tạo nhân sự. Điều này đến trong khi giao thông còn tồi tệ dẫn đến hiện đại hóa quân đội chậm chạp, các vũ khí nặng càng chậm hơn, chỉ tương đối hoàn thành năm 1966.

Đến năm 1958 thì cơ cấu quân sự xuất hiện trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam đã hình thành. Lực lượng quân chủ lực trung ương là những đơn vị đầu tiên đổi vũ khí cũ (chiến lợi phẩm từ Pháp) sang vũ khí mới được viện trợ. Năm 1958, 2/3 súng của lực lượng quân chủ lực đã đổi tiêu chuẩn[22]. Chính vì vậy, đến năm 1966, 60% lực lượng chủ lực Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được trang bị súng trường tấn công AK-47, số còn lại dùng cạc bin SKS. Súng AK-47 được xem là vượt trội hơn vũ khí cá nhân tiêu chuẩn của quân Mỹ trước năm 1966 là súng trường M14 (năm 1966 quân Mỹ mới trang bị hàng loạt súng trường tấn công M16).

Các kế hoạch thiết kế và chế tạo vũ khí mới vẫn được duy trì từ trước Kháng chiến chống Pháp, nhưng thời điểm này chậm phát triển do vũ khí nhập khẩu đã xuất hiện. Các đại bác và súng chống tăng không giật (RPG) mới nhập rất thích hợp. Quân đội Nhân dân Việt Nam chuyển sang nghiên cứu sử dụng và sao chép, cải tiến các súng nhập khẩu. Nhưng chỉ sau 1960 mới sản xuất được số lượng lớn vũ khí, do công nghiệp thời này còn yếu.

Trong khi súng trường tấn công mới chưa phổ biến, các binh chủng hiện đại chưa về nước[23] thì pháo binhphòng không đã phát triển trước. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ bỏ các pháo phương Tây chiến lợi phẩm như lựu pháo 105mm, cối 81mm, thay bằng các pháo khối Xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn Liên Xô như cối 82mm, pháo nòng dài chống tăng 85mm Đ44, lựu pháo 122mm... Các cán bộ kỹ thuật, kế toán, trinh sát, thông tin được chọn trong số các trí thức quân đội và cử đi du học. Sau này có những vũ khí được thiết kế riêng cho chiến trường Việt Nam như ĐKB của Liên Xô. Trong giai đoạn này, số lượng pháo tăng gấp nhiều lần. Lực lượng phòng không tách khỏi pháo binh năm 1956 trở thành một binh chủng độc lập. Trong khi đó các đơn vị bộ binh dần xây dựng kiểu hợp thành, gồm các thành phần pháo binh, phòng không riêng, đóng vai trò lực lượng cơ động mạnh.